Logo nói riêng hay thiết kế thương hiệu nói chung, thành công hay thất bại thì nó cũng là kết quả của sự tổng hòa giữa chủ thương hiệu, chủ sở hữu logo (client) và người thiết kế (Designer)

Logo là một phần quan trọng không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp. Nó không chỉ đơn thuần là biểu tượng của một thương hiệu, mà còn mang theo những ý nghĩa và tầm quan trọng đáng kể:

Thể hiện giá trị của công ty: Logo là dấu ấn đại diện cho hình ảnh của doanh nghiệp. Nó thể hiện sự chuyên nghiệp và giá trị mà công ty mang lại.

Khơi dậy sự tò mò: Một logo độc đáo và hấp dẫn sẽ kích thích sự tò mò của khách hàng, khiến họ muốn tìm hiểu thêm về thương hiệu.

Xác định thương hiệu: Logo là biểu tượng duy nhất và dễ nhận diện nhất của công ty trên thị trường. Nó giúp xác định thương hiệu và tạo sự nhớ đến.

Dễ nhận biết: Một logo đặc trưng giúp khách hàng dễ dàng nhận ra và ghi nhớ thương hiệu. Điều này quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và trung thành từ phía khách hàng.

Đặc trưng cho hình ảnh : Logo chứa đựng thông điệp và giá trị của doanh nghiệp. Nó là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu.

Cơ sở của điều lệ đồ họa: Logo là nền tảng cho việc thiết kế các tài liệu khác như danh thiếp, brochure, website, và quảng cáo. Nó giúp duy trì tính nhất quán trong hình ảnh của thương hiệu.

Tạo sự khác biệt giữa bạn và đối thủ cạnh tranh: Một logo độc đáo và đặc trưng giúp bạn nổi bật và tạo sự khác biệt trong thị trường cạnh tranh.

Logo Be The Egg (Thương hiệu con của Tiên Viên JSC tại thị trường Nhật Bản) – Trần Mạnh Tùng

1. Logo không khớp Định vị thương hiệu với Cá tính thương hiệu

Tôi có đến gặp và nói chuyện với Công ty Tiên Viên JSC, họ là doanh nghiệp Việt Nam làm về chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ thịt gà, trứng gà. Họ định vị họ là sản phẩm cao cấp, vì họ nghĩ rằng quy trình sản xuất, chất lượng cũng như so về giá thành sản phẩm đầu ra của họ so với các đối thủ như CP, 3 Huân và các sản phẩm khác trên thị trường là họ cao hơn. Tôi cũng cảm nhận thấy đứng ở góc độ một người tiêu dùng thì tôi chỉ đánh giá được sản phẩm “Trứng gà – thịt gà” này có vẻ cao cấp hơn là ở bao bì (Nếu cùng so sánh chúng) chứ còn về những yếu tố như bảng giá trị dinh dưỡng, rồi quy trình sản xuất. Thú thực là cái đó không phải người tiêu dùng phổ thông nào cũng để tâm. Nhưng cứ cho là tốt hơn đi, giá cao hơn đi vì nó xứng đáng. Nhưng những thứ để thể hiện điều đó thì họ lại làm chưa tốt. Ví dụ như Logo, bao bì, tên nhãn hiệu, các nhận diện trên điểm bán. Bài toán đặt ra là ngay cả với thị trường Việt Nam còn chưa làm tốt để thể hiện Cá tính thương hiệu tương xứng với Định vị thương hiệu thì thị trường khó tính hơn như Nhật, Mỹ, EU kết quả có thể thấy trước.

Họ định vị mình là phân khúc cao cấp, nhưng điều họ thể hiện trên các điểm chạm thương hiệu thì lại chẳng khác gì so với hàng thông thường. Chỉ có giá là cao hơn

Logo – Biển bảng của Tiên Viên JSC (cũ)

Logo cũ của Tiên Viên sử dụng 2 màu đỏ – vàng, viền nâu, nền trắng, tên thương hiệu viết font chữ mặc định không dấu quả thực nó vừa xấu về hình ảnh, không có tính nhận diện, không được 1 cái điểm gì ngoài cái “ý nghĩa” chữ T và V cách điệu. Và điều quan trọng hơn nhất là 1 cái logo với gam màu đỏ vàng, các chi tiết quá vụn và ẩu như này thể hiện cá tính thương hiệu là gì. Có phải là 1 doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo kiểu cũ từ thời xưa xửa xừa xưa.

Trường hợp này khi không thể Educate được Client về việc thay đổi lại từ đầu nhận diện thương hiệu, thì với yêu cầu thiết kế nhãn hiệu mới giành riêng cho thị trường Nhật Bản, cung ứng Trứng gà hữu cơ truy xuất nguồn gốc. Thì phương án của tôi là làm thương hiệu con, chẳng liên quan gì đến thương hiệu chủ sở hữu.

Với lần lượt các tính cách của Logo

Vui vẻ – Trẻ trung – Độc đáo

Ý nghĩa muốn truyền tải

Trứng và Thịt gà – Truy xuất nguồn gốc rõ ràng

2. Logo mang ý muốn chủ quan của chủ sở hữu

Trong quá trình làm nghề tôi gặp rất nhiều khách hàng, nhất là những khách hàng mới khởi nghiệp. Họ thường đặt kì vọng rất cao về việc Logo có thể truyền tải được những điều như họ mong muốn khách hàng hiểu, và ghi nhận về sản phẩm, dịch vụ… Tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp họ.

Chỉ với 1 cái Logo mà nó phải chứa đựng đầy ắp khát vọng, ước mơ, giá trị của doanh nghiệp.

Điều này là lỗi sai cơ bản cũng chính là điều dẫn đến những logo thảm họa. Các anh chị phải đặt mình ở vị trí người khách hàng, đặt mình ở vị trí người xem. Thử hỏi trong số bao nhiêu thương hiệu nổi tiếng anh chị yêu thích quan tâm, trong đó có mấy cái logo mà anh chị biết hết về ý nghĩa, thông điệp, tầm nhìn sứ mệnh của doanh nghiệp đó (Kể cả nếu có những điều đấy trong logo của họ thật).

Thực sự chúng ta không ai quan tâm hay để ý ghi nhớ gì về những điều người khác nói, kể lể về bản thân họ nhất là những người xa lạ với chúng ta.

Thứ chúng ta thấy là gì, là chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc, quy trình làm việc, phân khúc giá, cảm nhận người dùng, giá trị mang lại… Và logo là thứ đơn giản gợi nhớ cho khách hàng về trải nghiệm đó, ấn tượng đó, thứ cần khác biệt là về hình ảnh, để không bị nhầm lẫn sang thương hiệu khác. Vì chúng ta là duy nhất, chúng ta không giống ai, và không ai giống chúng ta

3. Sử dụng màu sắc theo sở thích cá nhân

Tôi gặp những trường hợp thực tế là có nhiều khách hàng của tôi họ có những yêu cầu đại loại như anh hợp mệnh màu Đỏ, Cam… Hoặc anh kỵ màu Đen, Tím… Giờ anh muốn logo nó phải màu Đỏ. Cam vì như thế phù hợp với anh.

Tâm lý học hành vi, thị hiếu đại chúng, nghiên cứu tệp khách hàng mục tiêu. Là 3 yếu tố quyết định việc lựa chọn màu sắc của logo, màu sắc của thương hiệu. Mục đích để đánh đúng vào những yếu tố ảnh hưởng nguyên lý thị giác của khách hàng, thông qua đó phản ánh được giá trị thương hiệu, tính cách thương hiệu.

Không phải tự nhiên mà những màu sắc có ý nghĩa của riêng nó, vì bản chất màu sắc gợi nhớ, liên tưởng, tạo cảm giác mạnh mẽ thông qua thị giác tác động trực tiếp lên nhận thức của con người. Điều này được hình thành dựa trên Giáo dục, Văn hóa xã hội.

Ví dụ như màu đỏ ở Á Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng, là màu của sự may mắn, vui vẻ, năm mới, đám cưới. Màu trắng thể hiện cho nỗi buồn, mất mát, tang thương. Thì ở Phương Tây, Màu Trắng được coi là màu của sự thuần khiết, trinh trắng, hôn lễ, trang trọng… Còn màu đỏ là màu của sự điên cuồng, địa ngục, máu, và quỷ dữ.

Các doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ… Để tồn tại và phát triển được thì đều phải hướng tới giải quyết được nhu cầu nào đó trong xã hội, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Toàn bộ doanh nghiệp phải hướng về khách hàng, vì khách hàng. Màu sắc của thương hiệu, logo cũng không ngoại lệ. Màu sắc sử dụng phải phù hợp với sản phẩm dịch vụ, thể hiện được giá trị thương hiệu truyền tải được tính cách thương hiệu đến với đối tượng khách hàng mục tiêu

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Instagram