Tình yêu và báo thù – Hay bức tranh trần trụi khắc họa sự bi thảm của Thù Hận
The Vengeance Trilogy của Park Chan-Wook là bộ ba siêu phẩm của điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung về chủ đề Báo Thù, nằm trong dòng phim Trinh Thám – Tâm Lý.
“Với trả thù luôn phải đào hai mồ chôn!”
Khổng Tử
Ở nội dung bài viết này tôi không phân tích về khía cạnh nghệ thuật làm phim, thủ pháp quay, hay kịch bản, diễn xuất. Mà tôi xin phân tích góc độ Mỹ học, thiết kế và đưa ra cảm nhận dưới góc nhìn khán giả, tâm lý học hành vi
Phong cách hình ảnh
Neo-noir (tiếng Việt: phim đen hiện đại) là một thuật ngữ điện ảnh chỉ sự hồi sinh thể loại phim noir cổ điển. Thuật ngữ phim noir (phim đen) từng phổ biến vào năm 1955 bởi hai nhà phê bình Pháp là Raymond Borde và Étienne Chaumeton. Nó được áp dụng cho các bộ phim tội phạm trong những năm 1940 và 1950, hầu hết được sản xuất tại Hoa Kỳ. Theo đó, phim đen sử dụng môi trường hình ảnh Art Deco của những năm 1920/1930. Về mặt ngữ nghĩa, phim đen là một bộ phim đen tối, mô tả những thứ nham hiểm và vô thực, nhưng trên hết, nó thể hiện một phong cách điện ảnh hoàn toàn khác biệt. Dòng phim đen bao gồm các bộ phim hình sự Hollywood thời thượng, thường có một chút mưu kế đen tối đi kèm. Tương tự, Neo-noir hay phim đen mới có phong cách gần giống phim đen nhưng các chủ đề, nội dung, phong cách, yếu tố hình ảnh và truyền thông được cách tân so với phim đen gốc. Các đạo diễn phim đen hiện đại thường sử dụng các yếu tố thường nhật trong phim đen (cổ điển) như nghiêng các góc quay, tương tác đặc thù giữa sáng và tối, bất cân bằng khung hình cũng như làm mờ ranh giới giữa tốt và xấu, đúng và sai. Ngoài ra, phim đem hiện đại còn sử dụng các mô típ theo chủ đề bao gồm trả thù, hoang tưởng và tha hóa.
Phân tích Poster
Có thể nói cầu nối trực quan, 1 trong các điểm chạm đầu tiên giữa tác phẩm điện ảnh và khán giả đại chúng không thể không nhắc đến Poster.
Poster Film OLDBOY 2003
Nếu như nói Poster của OLDBOY là hiệu quả chưa thì câu trả lời là Rồi, vì đơn giản nhất cái tên diễn viên Choi Min-sik là bảo chứng cho sự thành công của phòng vé
Xuất sắc về mặt thiết kế chưa thì câu trả lời hoàn toàn là Chưa
Vì 2 lý do:
1 – Thiếu sáng tạo: Sự không toàn vẹn trong việc thể hiện điểm hấp dẫn nhất của bộ Film đó là Sự đen tối của việc Báo Thù mà lại dùng thủ pháp rất nông cạn là câu view bằng Diễn viên chính của bộ Film.
Cùng xem qua những Poster Redesign của Film Oldboy
Ở poster này chúng ta thấy đây là bản tóm tắt sơ lược nhất về bộ film những yếu tố điểm nhấn, nhưng không lề tiết lộ cú plot twist của film. Gam màu đỏ đen thể hiện sự đậm đặc phong cách Noir được tối ưu triệt để. Màu trắng của poster không phải lối thoát giải tỏa áp lực của người xem poster mà nó cho thấy, chẳng có một lối thoát nào ở đây cả. Con đường của nhân vật chính đến cuối cùng cũng không thể thoát ra khỏi “cái búa” vũ khí của nhân vật chính cũng là hình ảnh thể hiện sự trả thù của Film này.
Màu trắng của con bạch tuộc, màu trắng của những dòng title cũng giữ tính chất đồng nhất này, khi ta vùng vẫy trong bóng tối, tìm thấy tia sáng để bám víu vào thì nó cũng là sự nghẹn đắng, và sự thật là bế tắc phũ phàng
Ở poster Redesign này cùng 1 thủ pháp ẩn dụ như trên nhưng yếu tố đồ họa, và cường điệu được đẩy lên cao thêm 1 nấc nữa. Phong cách Abstract kết hợp với 1 phần cảm hứng từ phong cách Collage Art. Thông điệp và các điểm nhấn tầng ý nghĩa Film được nhà thiết kế đưa toàn bộ vào Poster, khiến poster có giá trị xem lại và chiêm nghiệm cao.
2 – Cẩu Thả: Trong thiết kế poster Film có rất nhiều thủ pháp, trong đó thủ pháp cơ bản nhất của poster Film OLDBOY là cutscene. Thủ pháp này tạo cho người xem gần như tưởng tượng ra được bối cảnh film, không bị xung đột cảm xúc giữa kì vọng và thực tế trải nghiệm. Đây là phương pháp thiết kế poster film tuy đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Nhưng sự cẩu thả ở đây là gì, đường dẫn mắt ở đâu ? nếu không dùng đường dẫn mắt thì điểm vàng đâu
Như minh họa bên trên poster này bị lệch điểm vàng, không có đường dẫn mắt, chữ bị rơi không có bố cục, chỉ thuần túy là dùng hình ảnh diễn viên trong phân đoạn film để làm poster
Poster này nhìn sơ thì có vẻ giống poster đầu tiên nhưng thực sự là sự thay đổi cực kì lớn, đầu tiên việc cắt khung hình chuẩn hơn tạo đường dẫn mắt giữa cây búa và đôi mắt của nhân vật, tạo 1 hình tam giác cân (Viễn cận cảm nhận) Trong nguyên lý thị giác hình tam giác tạo cảm giác nguy hiểm, cảnh giác, đáng sợ cho người xem.
Phần chữ được bố trí với khung hình hợp lý chặt khối, việc xoay đổ chữ D và Y có ý đồ. Poster này là tổng hòa được giữa 2 giá trị thương mại và nghệ thuật.
Màu Film – Dưới góc nhìn Mỹ Thuật
Gam màu film OLDBOY xuyên suốt là gam màu tối, ám đen, độ tương phản đến từ màu nhưng đồng về sắc độ. Tạo cảm giác tăm tối mù mịt áp lực đè nặng lên tâm lý người xem. Nhưng có thể xét gam màu của OLDBOY chúng ta có thể chia làm 3 trạng thái theo mạch film
Tình Yêu
Để nói về OLDBOY tình yêu là thứ tội lỗi và đáng sợ nhất mà bộ Film đem lại cho khán giả. Sự đẹp đẽ của những mối tình của nam nữ chính trong những bộ Film khác là điều không thể tồn tại trong OLDBOY. Sự giao thoa đồng điệu, hòa hợp về màu sắc, ánh sáng, độ mịn là điều mà mọi khung hình thể hiện tình yêu trong điện ảnh. Thì ở OLDBOY là gam màu tương phản, nó như ngầm cảnh báo sự sai trái của mối tình nghiệt ngã tội lỗi. Tone màu tương phản trong trang phục, bố cục nhân vật đều là sự tương phản rõ rệt khiến người xem luôn trong trạng thái bứt rứt, cảm thấy bức bối trên mỗi khung hình
Hành Động
Cảnh hành động dày đặc trong film với gam màu đỏ máu và tím than từ màu sắc của trang phục, ánh đèn, hiệu ứng máu, các cảnh zoom in, quay ở góc nhìn thứ nhất… Được phủ dải màu Đỏ & Tím than toàn bộ khung hình. Trong nguyên lý thị giác, màu đỏ luôn gắn liền với những yếu tố mang tính chất kích thích cao độ, màu của sự hấp dẫn nguyên thủy, nhưng cũng là màu của sự đáng sợ màu của lửa – máu – địa ngục.
Nội tâm nhân vật
Khỏi cần bàn cãi về khả năng diễn xuất của diễn viên Choi Min-sik, nhưng thật là thiếu sót nếu bỏ qua phần màu sắc hiệu ứng được dùng trong những trường đoạn, phân đoạn giới thiệu đặc tả về vai diễn có tên Oh Dae-su trong OLDBOY. Gam màu Xanh rêu xám thực sự là gam màu cực lạ xuất hiện trong bộ Film mà xuyên suốt là gam đỏ tím. Màu xanh xám ở đây không có ý nghĩa như màu xanh xám của The Matrix – Công Nghệ, viễn tưởng, kĩ thuật số. Mà màu xanh xám ở đây như ám chỉ nhân vật này là điều bất hợp lý duy nhất, là nguồn cơn của mọi vấn đề sảy ra. Và quả thực xem đến cuối bộ Film ta có thể nói ý đồ này hoàn toàn đúng. Màu xanh lá là màu có dải sáng thấp nhất trong những dải sáng cận Đen. Cái cảm giác u tối, mờ mịt, không rõ ràng do dải màu Đen Xanh thẫm này mang lại như chính sự thông báo về cái kết cho nhân vật này.
Lời Kết:
OLDBOY là tác phẩm điện ảnh thứ 2 nằm trong chuỗi The Vengeance Trilogy của đạo diễn Park Chan – Wook. Nhưng có thể nói đây là tác phẩm xuất sắc nhất không chỉ trong bộ tam, mà còn xuất sắc nhất trong dòng Film trinh thám giật gân của điện ảnh Hàn cũng như Châu Á. Cái hay cái đẹp của nghệ thuật thuần túy, từ màu sắc, đến những thiết kế nhằm Marketing, PR cho film đều được tính toán tỉ mỉ đến mức tuyệt vời.
Trong nghệ thuật không có phán xét, chẳng có đúng sai, chỉ thuần túy là hướng tới vẻ đẹp. Thậm chí vẻ đẹp đó có đến từ những điều ghê tởm nhất