Thiết kế nhận diện thương hiệu là tổng hòa của nhiều phương diện thiết kế trong đó Hình ảnh và Văn Bản là 2 yếu tố xuyên suốt
Typography là nghệ thuật sắp xếp, thiết kế và sáng tạo hình dáng câu văn, chữ viết sao cho có tính thẩm mỹ và thể hiện một phong cách nhất định. Công việc này bao gồm thiết kế kiểu chữ (typeface), cỡ chữ, độ giãn cách, cũng như trang trí. Nó nằm trong những cuốn sách chúng ta đọc, trên các trang web chúng ta truy cập, và thậm chí trong cuộc sống hàng ngày, đó là những dòng chữ trên bảng hiệu dọc các con phố, nhãn dán và bao bì sản phẩm. Typography là sự kết hợp giữa typo và graphic, nghĩa là dùng đồ họa để thể hiện con chữ với tinh thần cùng ý nghĩa mà nhà thiết kế muốn truyền tải.
Nói một cách đơn giản, typeface là hệ thống bao gồm các kiểu chữ, mỗi kiểu chữ là một typeface riêng biệt. Ví dụ: Arial là một kiểu typeface. Trong khi đó, font là tập hợp hoàn chỉnh các chữ cái, dấu câu, con số và ký tự đặc biệt, theo một kiểu loại, định dạng và kích cỡ phù hợp.
Có bốn nhóm chính của kiểu chữ:
- Serif: Có chân, thường được sử dụng trong các ấn phẩm in ấn như tạp chí hoặc báo giấy.
- Sans-serif: Không có chân, thường hiển thị tốt trên các màn hình nhỏ như máy tính và điện thoại.
- Monoface: Đồng nhất về chiều rộng của các chữ.
- Display: Sử dụng cho tiêu đề hoặc các phần đặc biệt trong thiết kế
Nguồn gốc của Typography
Typography đã phát triển từ việc sử dụng các con chữ bằng kim loại trong công việc in ấn vào thế kỷ XV tại Đông Âu. Johannes Gutenberg, người Đức, đã phát minh ra các con chữ này. Trước đó, người Trung Hoa đã tạo ra những nét sơ khai về loại hình nghệ thuật này từ thế kỷ XI. Hiện nay, Typography không chỉ xuất hiện trong in ấn mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như báo chí, thiết kế mỹ thuật, website, và nhiều hơn nữa.
Cách thể hiện một tác phẩm Typography rất đa dạng và phong phú. Nó bao gồm việc sử dụng các kiểu chữ khác nhau, kết hợp cỡ chữ, sắp xếp vị trí, màu sắc, độ tương phản, và thậm chí cả hình ảnh để tạo ra một tác phẩm độc đáo Typography không chỉ là việc trình bày thông tin, mà còn là nghệ thuật sáng tạo bằng các con chữ, tạo ra những câu chuyện và đường đi dẫn người xem theo con đường mà tác giả đã vạch ra
Các quy tắc cơ bản cho sử dụng Typo trong nhận diện thương hiệu
Không quá khi nói rằng mỗi font chữ khi sinh ra đã mang trên mình những nét cá tính khác nhau. Có những font chữ khi mới nhìn vào, có thể cảm nhận ngay được sự chắc chắn, bền vững. Cũng có những font chữ chỉ cần thoáng lướt qua, lại cảm nhận được sự nhẹ nhàng, bay bổng, thanh thoát.
- Giới hạn số lượng font: Hãy giới hạn việc sử dụng font chữ trong khoảng 2-3 font tối đa. Quá nhiều font sẽ làm thiếu chuyên nghiệp và gây rối mắt người xem.
- Phân chia vai trò cho các font: Sử dụng một font cho tiêu đề và một font khác cho văn bản. Điều này giúp tạo ra sự đồng nhất và dễ đọc.
- Đảm bảo đọc được ở các kích cỡ khác nhau: Kiểm tra xem font chữ có đọc được ở các kích cỡ khác nhau không, đặc biệt là trong logo và tiêu đề.
- Tránh các font mỏng và phức tạp: Cân nhắc xem font trông thế nào khi in đậm và in nghiêng.
- Nắm vững tâm lý của font chữ: Hiểu rõ tâm lý mà các font chữ mang lại. Một font chữ rõ ràng và phù hợp với lĩnh vực của công ty sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của thương hiệu trong mắt người dùng
Tính cách cách loại Fonts thông dụng
Kiểu Serif: Cổ điển, sang trọng, truyền thống
Cùng là kiểu chữ Serif nhưng có nhiều dạng biến thể. Mỗi biến thể lại mang những đặc trưng và ý nghĩa riêng, phù hợp cho từng ngành nghề, từng tính cách thương hiệu khác nhau.
Serif – font có chân:
Đây luôn được xem là kiểu font kinh điển dành cho những sản phẩm cao cấp bậc nhất vì sự sang trọng của nó. Tạo kiểu chữ thương hiệu với font này sẽ phù hợp với các ngành có yếu tố cổ điển, uy quyền, cần tạo sự tin tưởng như thời trang, tài chính, nội thất, giáo dục,…
Các nhãn hiệu nổi tiếng đang sử dụng font chữ này: Rolex, Tiffany & Co, Gucci, Generali…
San – serif – font không chân:
Font chữ này cung cấp một cái nhìn mạnh mẽ, rõ ràng và hiện đại. Phù hợp sử dụng trên các ứng dụng kỹ thuật số như các trang web. Bên cạnh đó, đây cũng là font chữ logo thương hiệu hợp với các doanh nghiệp về công nghệ, các công ty startup trẻ trung,…
Các thương hiệu nổi tiếng đang sử dụng font chữ này: Microsoft, Panasonic, Facebook…
Slab – serif:
Là một biến thể đầy tính quyến rũ, mang cảm giác cổ điển, mộc mạc, nam tính. Vì thế, các thương hiệu bia và xe hơi trên thế giới thường có xu hướng tạo kiểu chữ thương hiệu bằng font này.
Các thương hiệu nổi tiếng đang sử dụng font chữ này: Heineken, Honda, Volvo, Rubyk…
Handwritten:
Là dạng chữ viết tay, mang đậm dấu ấn cá nhân. Ý nghĩa font chữ viết tay tạo cảm giác thân thiện, gần gũi, vừa giản dị, vừa vui tươi hơn so các font chữ khác.
Các thương hiệu nổi tiếng đang sử dụng font chữ này như Barbie, Kellogg’s, Harrods…
Script:
Font chữ Script gợi lên cảm giác thanh lịch, duyên dáng, gần gũi nhưng không kém phần khác biệt. Đây là một trong những font chữ trực quan nhất, trông giống như những nét chữ thư pháp. Vì thế đặc biệt thích hợp để ứng dụng cho các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, nghệ thuật.
Các thương hiệu nổi tiếng đang sử dụng font Script: Kiehl’s, Coca-Cola, Instagram, Cadbury…
Display:
Là kiểu chữ được biến đổi theo hướng vui mắt, độc đáo, khác biệt. Phù hợp với các doanh nghiệp muốn thể hiện cá tính riêng và kết nối cảm xúc với đối tượng mục tiêu.
Khi sử dụng font Display, nên cân đối hình dạng, kích thước, tỷ lệ sao cho phù hợp với mỗi ngành nghề hay từng loại nhu cầu riêng mà doanh nghiệp hướng tới.
Các thương hiệu nổi tiếng đang sử dụng font chữ này: Fanta, LEGO, Disney, McDonald’s…
Kiểu Retro: Hoài cổ, thanh lịch, thời đại
Nếu bạn muốn mang tới hơi thở của sự cổ điển để truyền tải thông điệp và bản sắc doanh nghiệp, hãy theo đuổi phong cách thiết kế Retro. Các font chữ dạng này có thể được ứng biến linh hoạt, gợi vẻ classic, thanh lịch, đơn giản, hoài cổ nhưng vẫn đậm chất thời thượng và bền vững.
Một số hãng lớn trên thế giới đã áp dụng phong cách Retro vào thiết kế và trở nên vô cùng nổi tiếng. Khi ứng dụng font chữ logo thương hiệu kiểu này, các hãng sẽ thiết kế lại theo phong cách riêng để nêu bật cá tính và thông điệp của mình.
Lợi ích của Typography mang lại cho thương hiệu
Tạo nên cảm xúc cho người xem
Hình ảnh là thứ làm người xem chú ý đầu tiên. Nhưng, nên nhớ rằng, con người, dù vô tình hay cố ý, đều bị mê mẫn bởi cách sử dụng chữ của các thương hiệu; vì những con chữ mới thật sự thể hiện được thương hiệu đó như thế nào.
Có nhiều lí do đằng sau việc lựa chọn kiểu chữ là một việc vô cùng quan trọng đối với một thương hiệu. Mỗi một kiểu chữ sẽ tạo nên cho người xem những cảm xúc (vui, buồn), làm nổi bật bối cảnh (quá khứ, hiện tại), truyền tải được thêm cá tính, hay thậm chí thể hiện được sự đáng tin cậy của thương hiệu. Những yếu tố trên là thiết yếu cho một dự án thương hiệu thành công.
Lựa chọn được kiểu chữ thích hợp chính là điểm khác biệt mấu chốt giữa việc thu hút được người xem vào với những thông điệp và câu chuyện thương hiệu, và việc loay hoay với những câu chuyện và thông điệp nửa vời, khó tiếp thu.
Anh hùng thầm lặng
Vì sao lại là anh hùng thầm lặng ?
Khi nhìn vào một bản thiết kế, nếu người xem không mấy để ý đến phần chữ, thì điều đó đồng nghĩa với việc phần chữ đó đã thực sự hoà thành một với những yếu tố thiết kế xung quanh. Người dùng ngày nay đã được tiếp xúc với khá nhiều thiết kế đẹp và họ đã dần trở nên ít nhạy cảm hơn với những phần typography đẹp mắt – một dấu hiệu tốt đối với các nhà thiết kế !
Một phần typography đẹp mắt sẽ như nắm những cánh tay của người xem; nó sẽ dẫn họ đi xuyên suốt một bản thiết kế, nói cho họ biết phần nào là quan trọng, giúp họ sắp xếp lại những thông tin đó, hướng họ chú ý hơn đến những ý chính, và thậm chí là kể cho họ nghe thêm một chút về câu chuyện hay thông điệp đó. Một phần typography tệ sẽ như chỉ một thét vào mặt người xem và ngăn không cho bản thiết kế đó làm được bất cứ điều gì kể trên.
Thể hiện được ý nghĩa của thương hiệu
Cũng như những bộ quần áo thời trang, phong cách typography luôn liên tục thay đổi. Tuy vây, khi lựa chọn kiểu chữ cho thương hiệu, hãy tránh bị ảnh hưởng bởi các trào lưu hiện hành trong ngành thiết kế. Bất cứ kiểu chữ nào được chọn phải có sự sáng tạo, ý nghĩa và mục đích thương mại đằng sau nó.
Sau đây là một ví dụ từ hãng hàng không nổi tiếng của Nga, Transaero. Mục tiêu của hãng này chính là trở thành người đi tiên phong cho các chuyến bay du lịch ở thì tương lai, vì thế kiểu chữ được chọn phải thể hiện rõ được thông điệp đó.
Thay đổi nhận thức của người xem
Sự lựa chọn kiểu chữ khi thiết kế thương hiệu ảnh hưởng rất nhiều đến các cách mà người xem suy nghĩ về thương hiệu đó. Cái cách mà con người sử dụng truyền thông ngày nay thay đổi rất nhiều với những công nghệ mới; đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều hơn những nội dung sẽ được tiế thu thông qua màn hình máy tính và các phương tiện tương tự khác. Nói về công nghệ thôi, các nhà thiết kế cũng đã phải cân nhắc rất nhiều về các kiểu chữ sẽ xuất hiện ra sao và như thế nào đối với từng thiết bị mà người xem sử dụng.
Typography rất quan trọng trong việc cho người xem thấy được sự độc đáo của thương hiệu qua màu sắc, hay hình ảnh đi kèm. Khi lựa chọn một kiểu chữ, đừng quá lo lắng mà hãy tìm ra những cách sắp xếp mới để sử dụng nó. Hãy vui đùa với những con chữ một chút. Điều mà bạn thực sự luôn phải lưu tâm đó chính là phải giữ cho kiểu chữ đó đồng bộ với thông điệp mà bạn muốn truyền tải đến người xem.